Sử dụng hối phiếu trong mua bán hàng hóa quốc tế

Hối phiếu là một trong những chứng từ quan trọng dùng trong mua – bán hàng hóa quốc tế, được coi là một chứng từ thanh toán. Tuy vậy, khi làm nghề xuất nhập khẩu, nhiều người chưa biết đến sự tồn tại của Hối phiếu. Vậy Hối phiếu là gì, nội dung như thế nào, có tác dụng gì và cách viết Hối phiếu ra sao?

>>>>> Xem thêm: Vận đơn (bill of lading) trong xuất nhập khẩu

hoi-phieu
Mẫu hối phiếu (Bill of Exchange)

Hối phiếu là gì?

Hối phiếu là tờ mệnh lệnh đòi tiền vô điều kiện do người xuất khẩu, người bán, người cung ứng dịch vụ ký phát đòi tiền người nhập khẩu, người mua, người nhận cung ứng và yêu cầu người này khi thấy hối phiếu phải trả một số tiền nhất định, tại một địa điểm nhất định trong một thời gian nhất định cho người hưởng lợi quy định trong hối phiếu hoặc theo lệnh trả của người này cho người khác.

Các bên tham gia Hối phiếu

Người ký phát hối phiếu (Drawer): nhà xuất khẩu, người bán, đại diện tổ chức xuất khẩu, cung ứng dịch vụ.

Người có trách nhiệm thanh toán hối phiếu (drawee): là người mà hối phiếu gửi đến cho họ, yêu cầu thanh toán ( có thể là người mua, nhà nhập khẩu, ngân hàng mở L/C, ngân hàng thanh toán,..)

Người thụ hưởng (beneficiary): người sở hữu hợp pháp hối phiếu, do đó có quyền được nhận thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu.

Người chuyển nhượng (endorser or assignor): là người chuyển quyền hưởng lợi hối phiếu cho người khác bằng cách trao tay hay bằng thủ tục ký hậu.

Người bảo lãnh: là bất cứ người nào ký tên vào hối phiếu ngoại trừ người ký phát và người bị ký phát.

Chức năng Hối phiếu

Hối phiếu có 3 chức năng:

– Hối phiếu là phương tiện thanh toán: hối phiếu là phương tiện giúp người bán đòi tiền người mua và giúp người chuyển tiền trả nợ cho người bán;

– Hối phiếu là phương tiện đảm bảo: hối phiếu là chứng từ có giá do đó nó có thể mua bán, cầm cố, thế chấp, v.v

– Hối phiếu là phương tiện cung cấp tín dụng: Vì hối phiếu là một chứng từ có giá nên nó có thể là công cụ hữu hiệu trong việc cung ứng các khoản tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng.

Đặc điểm của Hối phiếu

– Tính trừu tượng: trong hối phiếu không ghi nội dung của quan hệ tín dụng, nguyên nhân phát sinh ra hối phiếu;

– Tính bắt buộc trả tiền: người bị ký phát bắt buộc phải trả tiền theo đúng nội dung ghi trên hối phiếu. Người trả tiền không được viện những lý do riêng giữa mình và người ký phát hoặc với người ký hậu hối phiếu để từ chối thanh toán;

– Tính lưu thông của hối phiếu: Hối phiếu có thể chuyển nhượng một hoặc nhiều lần trong thời hạn của nó.

Dich-vu-khu-trung-hang-xuat-khau-va-noi-dia
Hối phiếu là một trong những chứng từ quan trọng dùng trong mua – bán hàng hóa quốc tế

Nội dung Hối Phiếu

Tiêu đề hối phiếu: phải ghi chữ“Hối phiếu” (Bill of Exchange, có khi được viết tắt là Exchange hoặc là Draft). Tiêu đề viết bằng tiếng Anh thì toàn bộ nội dung trong hối phiếu phải viết bằng tiếng Anh.

Số tiền và loại tiền: Số tiền nhất định này được ghi một cách rõ ràng, đơn giản, đúng tập quán quốc tế, được ghi cả bằng số và bằng chữ. Chú ý: Số tiền trên hối phiếu không được vượt quá số tiền ghi trên hóa đơn và số tiền ghi trong thư tín dụng (L/C).

Người trả tiền hối phiếu: Họ tên và địa chỉ người trả tiền của hối phiếu phải được ghi rõ chi tiết, được ghi vào góc dưới bên trái của hối phiếu, tức là ghi vào vị trí chữ “To……………..” .

Trong phương thức thanh toán nhờ thu: người trả tiền hối phiếu là người nhập khẩu. Trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ: người trả tiền hối phiếu là ngân hàng mở L/C.

Kỳ hạn trả tiền của hối phiếu: có 2 dạng:

+ Trả tiền ngay: thì trên hối phiếu sẽ ghi là “trả ngay khi nhìn thấy bản thứ nhất (hai) của hối phiếu này” (at ……. Sight of this FIRST (SECOND) Bill of Exchange).

+ Trả tiền sau: có nhiều cách thỏa thuận:

* Thanh toán tại 1 ngày nhất định sau khi nhìn thấy hối phiếu

(At…X.days….after sight of this……….)

Thanh toán tại 1 ngày nhất định sau ngày ký phát hối phiếu

(At ….X days…after signed of this……..)

Thanh toán tại 1 ngày nhất định sau ngày ký vận đơn

(At…..X days….after bill of lading date of this…..)

Thanh toán tại 1 ngày nhất định sau ngày giao hàng

(At…..X days…..after shipment date of this…….)

Thanh toán tại 1 ngày cụ thể trong tương lai

(On……(date)…..of this……..)

Địa điểm trả tiền của hối phiếu:

Nếu không có quy định khác, thì địa chỉ của người bị ký phát (người trả tiền) được xem là địa điểm thanh toán hối phiếu. Tuy nhiên, nếu trên hối phiếu quy định một địa điểm thanh toán khác, thì địa điểm này được xem là địa điểm thanh toán hối phiếu.

Người được hưởng lợi hối phiếu:

Người hưởng lợi có thể là: Bản thân người ký phát hối phiếu, hoặc một người khác được người ký phát chỉ định, hoặc bất cứ ai được người hưởng lợi chuyển nhượng hối phiếu bằng thủ tục ký hậu hay trao tay.

Trong ngoại thương, các hối phiếu thường được ký phát cho người hưởng là ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu.

Nơi và ngày lập hối phiếu:

Nơi lập hối phiếu: ở nước người phát hành hối phiếu (người xuất khẩu)

Ngày lập hối phiếu: không được sớm hơn ngày lập hóa đơn, không sớm hơn ngày mở L/C và nằm trong thời gian hiệu lực của L/C.

Người ký phát hối phiếu:

Tên, địa chỉ và chữ ký của người ký phát là yếu tố bắt buộc phải thể hiện trên hối phiếu.

Chữ ký của người ký phát muốn có hiệu lực phải là chữ ký của người có đủ năng lựchành vi và năng lực pháp lý. Chữ ký phải được ghi ở góc dưới bên phải của tờ hối phiếu và người ký phát hối phiếu phải ký tên bằng chữ ký thông dụng trong giao dịch. Các chữ kýdưới dạng in, photocopy và đóng dấu…mà không phải viết tay đều không có giá trị pháp lý.

Phân loại hối phiếu

Căn cứ vào thời hạn thanh toán:

Hối phiếu trả ngay (Sight bill)

Hối phiếu có kỳ hạn (Time bill)

Căn cứ vào chứng từ kèm theo:

Hối phiếu trơn (Clean bill)

Hối phiếu kèm chứng từ (Documentary bill)

Căn cứ vào tính chất chuyển nhượng: 

Hối phiếu đích danh (Restrictive bill)

Hối phiếu theo lệnh (To order bill)

Hối phiếu vô danh (Bear bill)

Căn cứ vào người ký phát hối phiếu:

Hối phiếu thương mại (Commercial bill)

Hối phiếu ngân hàng (Banking bill)

Căn cứ vào trạng thái chấp nhận:

Hối phiếu chưa được ký chấp nhận

Căn cứ vào loại tiền ghi trên hối phiếu:

Hối phiếu nội tệ

Hối phiếu ngoại tệ

Chấp nhận hối phiếu (Acceptance)

Hối phiếu sau khi được ký phát phải được xuất trình cho người trả tiền để người trả tiền ký chấp nhận trả tiền, nhất là đối với hối phiếu có kỳ hạn. Rõ ràng là, một hối phiếu đã được ký chấp nhận mới có sự tin cậy trong thanh toán.

Thông thường hối phiếu được gửi tới người trả tiền, để người này ký chấp nhận bất cứ lúc nào trước ngày hết hạn xuất trình hối phiếu. Thời hạn chấp nhận có thể được giải thích trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: nếu hai bên không có qui định gì khác thì ULB qui định thời hạn chấp nhận là 12 tháng kể từ ngày ký phát hối phiếu.

Trường hợp thứ hai: nếu hai bên qui định rõ với nhau trong hợp đồng mua bán hoặc trong thư tín dụng thời hạn cụ thể phải xuất trình hối phiếu để chấp nhận, thì hối phiếu phải được xuất trình để chấp nhận trong thời hạn đó.

VD: thời hạn hiệu lực của thư tín dụng là 45 ngày, hay là hết hạn 20 ngày kể từ sau ngày giao hàng thì thời hạn chấp nhận hối phiếu chỉ trong vòng 20 ngày đó, nếu quá 20 ngày đó, tức là L/C hết hiệu lực, ngân hàng mở L/C sẽ từ chối thanh toán tờ hối phiếu gửi đến (nếu là trả tiền ngay) hoặc từ chối chấp nhận hối phiếu (nếu là trả tiền sau).

Sự chấp nhận được ghi vào mặt trước, gó dưới bên trái của tờ hối phiếu và được thực hiện bằng chữ “chấp nhận” (Accepted) viết kế bên chữ ký của người trả tiền.

Ngoài công thức chấp nhận đó, ULB còn cho phép người trả tiền dùng những chữ khác tương tự để thể hiện sự chấp nhận của mình như “xác nhận”, “đồng ý”, “đồng ý trả tiền”.

Những sự chấp nhận của người trả tiền được thực hiện trên tờ hối phiếu bằng những chữ mơ hồ, tối nghĩa khiến cho hối phiếu mất tính chất luật định của nó sẽ vô giá trị.

Cũng không loại trừ khả năng, người trả tiền ký chấp nhận vào mặt sau của tờ hối phiếu. Để phân biệt giữa ký chấp nhận và ký hậu chuyển nhượng, người trả tiền dứt khoát phải tôn trọng đúng công thức ký chấp nhận nêu trên.

Trong thanh toán quốc tế, người ta đã loại trừ sự chấp nhận bằng văn thư riêng biệt hoặc chấp nhận gộp nhiều hối phiếu bằng một văn thư chung. Điều này ULB coi là vô hiệu.

Ngày tháng ký chấp nhận không phải là một yêu cầu bắt buộc của công thức ký chấp nhận. Song trong thực tiễn sử dụng hối phiếu, người ta thấy có loại hối phiếu đòi hỏi ký chấp nhận có ghi ngày tháng, có loại không cần ghi ngày tháng.

Đối với phiếu trả tiền ngay X ngày, người nhập khẩu muốn nhận bộ chứng từ thanh toán thì phải ký chấp nhận vào loại hối phiếu trả ngay này. Trong trường hợp này, ghi ngày tháng ký chấp nhận là không cần thiết.

Đối với hối phiếu có kỳ hạn mà việc qui định kỳ hạn trả tiển rõ rệt, ví dụ hối phiếu ghi “X ngày kể từ ngày ký phát bản thứ … của hối phiếu này” hoặc ghi “Đến ngày … trả cho bản thứ … của hối phiếu này…” thì việc ghi ngày tháng ký chấp nhận cũng không cần thiết.

Song, đối với hối phiếu có kỳ hạn được xác định trong tương lai “X ngày kể từ ngày nhìn thấy bản thứ … của hối phiếu này…” thì ngày tháng ký chấp nhận là ngày nhìn thấy hối phiếu, là mốc thời gian tính ra kỳ hạn của hối phiếu.

Tuy nhiên người trả tiền vẫn có quyền từ chối không chấp nhận thanh toán hối phiếu, nếu như sự từ chối đó là hợp lý với lý do chíng đáng, chẳng hạn như: hàng hoá thực nhận không đúng với hợp đồng đã ký kết về mặt số lượng, chất lượng, chủng loại hoặc bộ chứng từ bất hợp lý không phù hợp với những điều khoản, điều kiện đã quy định.

Ký hậu hối phiếu (Endorsement)

Ký hậu hối phiếu là thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu hối phiếu từ người hưởng lợi này sang người hưởng lợi khác.

Việc ký hậu hối phiếu được thực hiện bằng cách người ký hậu (Endorser) ký chuyển chuyển vào mặt sau của tờ hối phiếu và trao cho người được chuyển nhượng (Endorsee).

Hành vi ký hậu có những ý nghĩa pháp lý như:

Thừa nhận sự chuyển quyền lợi hối phiếu cho người khác được qui định trong mặt sau của tờ hối phiếu. Sự ký hậu này mang tính chất trừu tượng, có nghĩa là ng¬ời ký hậu không cần phải nêu lý do của sự chuyển nhượng và cũng không cần phải thông báo cho người trả tiền biết về sự chuyển nhượng đó, mà người được chuyển nhượng nhiển nhiên trở thành người hưởng quyền lợi hối phiếu đó.

Xác định trách nhiệm của người ký hậu về việc trả tiền hối phiếu đối với những người hưởng lợi hối phiếu đó. Người ký hậu không những đảm bảo rằng người trả tiền hối phiếu có mắc nợ số tiền ghi trên hối phiếu mà còn đảm bảo rằng mình sẽ trả tiền hối phiếu đó cho những người được chuyển nhượng nếu như người trả tiền từ chối thanh toán hối phiếu đó.

Ký hậu được ghi ở mặt sau của tờ hối phiếu dưới các hình thức ký hậu sau:

Ký hậu để trắng (Blank endorsement): trong hình thức này, người chuyển nhượng chỉ đơn giản là ký tên vào mặt sau và không chỉ định người được hưởng quyền lợi hối phiếu. Với cách ký hậu này, người nào cầm hối phiếu sẽ trở thành người được hưởng lợi hối phiếu và việc chuyển nhượng kế tiếp của người cầm phiếu này không cần phải ký hậu nửa, chỉ cần trao tay là đủ.

Người cầm phiếu có thể chuyển hình thức ký hậu để trắng này sang hình thức ký hậu khác bằng cách ghi thêm câu “trả theo lệnh ông (bà)…” nếu là ký hậu theo lệnh hoặc “chi trả cho ông (bà)…” nếu là ký hậu hạn chế, …

Ký hậu theo lệnh (To order endorsement) hay còn gọi là ký hậu đặc biệt (Special endorsement): Với cách ký hậu này người chuyển nhượng chỉ định một cách suy đoán người hưởng lợi hối phiếu. Người ký hậu chỉ ghi câu “trả theo lệnh ông (bà) X” (Pay to order of Mr (Mrs) X) và ký tên. Như vậy, người hưởng lợi hối phiếu trong trường hợp này chưa quy định rõ ràng, cần phải suy đoán ý chí của ông (bà) X. Nếu ông (bà) X ra lệnh trả cho một người khác thì người đó sẽ trở thành người hưởng lợi hối phiếu, nếu ông (bà) X im lặng thì người hưởng lợi hối phiếu đương nhiên là ông X.

Với cách ký hậu này, hối phiếu sẽ được chuyển nhượng kế tiếp nhau đến khi nào người hưởng lợi cuối cùng không ký hậu chuyển nhượng nữa, nhưng phải trước khi hối phiếu đến hạn trả tiền. Vì vậy ký hậu theo lệnh là loại ký hậu rất thông dụng trong thanh toán quốc tế.

Ký hậu hạn chế (Restricitve emdorsement): là việc ký hậu chỉ định đích danh người hưởng lợi hối phiếu và chỉ người đó mà thôi. Người ký hậu ghi câu “Chỉ trả cho ông (bà) X” và ký tên. Đối với loại ký hậu này, chỉ có ông (bà) X mới nhận được tiền của hối phiếu, do đó ông (bà) X không thể chuyển nhượng tiếp hối phiếu này cho người khác bằng thủ tục ký hậu nữa.

Ký hậu miễm truy đòi (Without recourse endorsement): là việc ký hậu mà người ký hậu ghi câu “Miễn truy đòi người ký hậu” với một trong ba loại ký hậu nêu trên. Ví dụ: “Trả tiền theo lệnh ông (bà) X, miễm truy đòi” và ký tên. Đối với loại ký hậu này, một khi hối phiếu bị từ chối trả tiền thì ông (bà) X không được truy đòi lại tiền của người ký hậu trực tiếp của mình.

Nếu hối phiếu có nhiều người ký hậu theo lệnh đều ghi chữ “Miễn truy đòi” vào chỗ ký hậu của mình, còn có một hay nhiều người không ghi chữ “Miễn truy đòi” đó, thì đương nhiên những người này không được hưởng quyền miễn truy đòi, khi hối phiếu bị từ chối thanh toán, họ phải đứng ra thanh toán cho người hưởng lợi kế tiếp. Ký hậu miễn truy đòi cũng là một loại ký hậu được sử dụng nhiều trong thanh toán quốc tế.

Ký hậu bảo lưu (Conditioanl endorsement): là việc ký hậu chuyển nhượng hối phiếu cho một người nếu người này thực hiện những quy định do người ký hậu đề ra.

Bảo lãnh hối phiếu (Guarantee)

Bảo lãnh hối phiếu là sự cam kết của người thứ ba trả cho người hưởng lợi khi hối phiếu đến hạn trả tiền. Thông thường người đứng ra bảo lãnh hối phiếu là các ngân hàng.

Hình thức bảo lãnh được thực hiện bằng cách ghi chữ bảo lãnh “good as aval” vào mặt trước hoặc sau của tờ hối phiếu và người bảo lãnh sẽ ký tên lên hối phiếu.

Ngoài ra ở một số nước người ta có thể thực hiện việc bảo lãnh bằng một văn thư riêng gọi là bảo lãnh bí mật. Sở dĩ có hình thức bảo lãnh này là do người trả tiền không muốn người thứ ba biết tình hình tài chính của mình đến mức cần bảo lãnh.

Nếu trên hối phiếu trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ có ghi “theo thư tín dụng số… mở ngày …gửi ngân hàng mở tín dụng …”, thì đó cũng là một hình thức bảo lãnh hối phiếu.

Kháng nghị (Protest)

Khi đến hạn trả tiền của hối phiếu mà người trả tiền từ chối thì người hưởng lợi phải chứng thực sự từ chối đó bằng một văn bản kháng nghị. Bản kháng nghị phải do người hưởng lợi lập ra trong thời hạn không quá hai ngày làm việc tiếp sau ngày hết hạn của hối phiếu. Sau khi lập xong bản kháng nghị, trong vòng 4 ngày làm việc, người bị từ chối trả tiền phải báo cho người chuyển nhượng trực tiếp để đòi tiền hoặc có thề đòi tiền bất cứ người nào đã ký hậu chuyển nhượng hối phiếu hoặc đòi người ký phát hối phiếu. Nếu không có bản kháng nghị về việc bị từ chối trả tiền thì những người được chuyển nhượng được miễn trách nhiêm trả tiền hối phiếu, nhưng người ký phát hối phiếu và người chấp nhận vẫn phải chịu trách nhiệm này đối với người kháng nghị.

Trên thực tế người ta thường làm như sau: VD: A là người ký phát hối phiếu, B,C,D là những người được chuyển nhượng tiếp theo, E là người được chuyển nhượng cuối cùng. Khi E bị từ chối trả tiền, E sẽ chuyển hối phiếu đòi tiền D kèm theo một bản tính tiền gồm số tiền của hối phiếu, chi phí làm thủ tục kháng nghị và các chi phí khác. D hoàn trả tiền cho E và truy đòi ngược lại C, và cứ như vậy cho tới A. Cuối cùng A trực tiếp đòi tiền ở người mắc nợ.

Chiết khấu hối phiếu (Discount)

Chiết khấu hối phiếu là một nghiệp vụ của ngân hàng. Trong đó người hưởng lợi hối phiếu xuất trình hối phiếu chưa đến hạn trả tiền cho ngân hàng để lấy tiền ngay với một giá thấp hơn số tiền ghi trên tờ hối phiếu.

Nếu hai bên đồng ý, người hưởng lợi hối phiếu sẽ thực hiện nghiệp vụ ký hậu để chuyển nhượng hối phiếu đó cho ngân hàng. Chênh lệch giữa số tiền ghi trên tờ hối phiếu với số tiền ngân hàng bỏ ra mua tờ hối phiếu đó gọi là lợi tức chiết khấu.

Các loại hối phiếu

Căn cứ vào thời hạn trả tiền của hối phiếu, người ta chia hối phiếu làm ba loại:

Hối phiếu trả tiền ngay: người trả tiền khi nhìn thấy hối phiếu này do người cầm phiếu xuất trình thì phải trả tiền ngay cho họ.

Hối phiếu trả tiền sau một số ngày nhất định, thường là từ 5 đến 7 ngày: người trả tiền khi nhìn thấy hối phiếu này do người cầm phiếu xuất trình thì tiến hành ký chấp nhận trả tiền, sau đó thì từ 5 đến 7 ngày thì trả tiền tờ hối phiếu đó.

Hối phiếu có kỳ hạn: sau một thời hạn nhất định ghi trên hối phiếu, người trả tiền phải trả hoặc tính từ ngày ký phát hối phiếu hoặc tính từ ngày chấp nhận hối phiếu hoặc từ ngày quy định cụ thể.

Căn cứ vào hối phiếu có kèm theo chứng từ hay không, có thể chia hối phiếu làm hai loại

Hối phiếu trơn: loại hối phiếu này được gửi đến đòi tiền người trả tiền không có kèm theo chứng từ hàng hóa. Trong thanh toán quốc tế, hối phiếu này dùng để thu tiền cước phí vận tải, bảo hiểm, hoa hồng, … hoặc dùng để đòi tiền mua hàng của những thương nhân nhập khẩu đáng tin cậy.

Hối phiếu kèm chứng từ: loại hối phiếu này được gửi đến cho người nhập khẩu có kèm theo chứng từ hàng hóa. Hối phiếu kèm chứng từ có hai loại:

Loại hối phiếu kèm chứng từ trả tiền ngay (Documents against Payment (D/P)).

Loại hối phiếu kèm chứng từ có chấp nhận (Documents against Acceptance (D/A)).

Căn cứ vào tính chất chuyển nhượng của hối phiếu, có thể chia hối phiếu làm hai loại:

Hối phiếu đích danh: là loại hối phiếu ghi rõ tên người hưởng lợi hối phiếu không kèm theo điều khoản “theo lệnh”.

VD: Hối phiếu ghi như sau: “Sau khi nhìn thấy hối phiếu này, trả cho ông (bà) X một số tiền là …”. Hối phiếu đích danh không chuyển nhượng được bằng thủ tục ký hậu theo luật định.

Hối phiếu theo lệnh: là loại hối phiếu ghi trả tiền theo lệnh của người hưởng hối phiếu. VD: Hối phiếu ghi như sau: “Sau khi nhìn thấy hối phiếu này, trả theo lệnh của ông (bà) X một số tiền là …”. Hối phiếu theo lệnh chuyển nhượng bằng hình thức ký hậu theo luật định. Đây là loại hối phiếu được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế.

Căn cứ vào người ký phát hối phiếu, người ta chia hối phiếu làm hai loại:

Hối phiếu thương mại: là hối phiếu do ng¬ời xuất khẩu ký phát đòi tiền người nhập khẩu trong nghiệp vụ về thanh toán hàng hóa xuất khẩu hoặc cung ứng lao vụ lẫn nhau.

Hối phiếu ngân hàng: là hối phiếu do ngân hàng phát hành ra lệnh cho ngân hàng đại lý của mình thanh toán một số tiền nhất định cho người hưởng lợi chỉ định trên hối phiếu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Phạm Nhật Hùng
Bản đồ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay
Translate »